Drama Là Gì? Hít Drama là gì? Drama Trong Định Nghĩa Của Giới Trẻ Hiện Nay. Mạng Xã Hội Sử Dụng Drama Với Ý Nghĩa Gì? Từ ngày mạng xã hội thịnh hành, có ai mà chưa từng thấy qua cái từ “ drama ”.Hễ một vấn đề gì nổi cộm lên, đôi khi là phanh phui sự thật cũng được xem là một drama. Đôi khi những người lớn tuổi vô tình tham gia hưởng ứng nhưng không hề biết đó là gì. Vậy drama thật sự là như thế nào thì Góc tò mò xin được giải thích sau đây.
Drama Là Gì?
Trong tiếng Anh, drama được hiểu là “ kịch ” (/drɑː.mə/ ), là những vở kịch hoặc phim chính kịch, hoặc đơn giản hơn là một câu chuyện nào đó có cốt truyện khá dài, diễn biến phức tạp và gay cấn được thể hiện qua các nhân vật. Đặc biệt drama cần phải có diễn biến tâm lý nhân vật được đẩy lên đỉnh điểm của sự mâu thuẫn, có cao trào.
Drama rất đa dạng về nội dung : hành động, tâm lý, hài, thê thảm, có cả những drama kết hợp cả hai hoặc ba.
Nhưng trong thời gian gần đây, nền giải trí đã xuất hiện dạng Melodrama – là một dạng kịch/ phim đặt nặng về tâm lý nhân vật. Các diễn viên khi thể hiện trong một Melodrama buộc phải có diễn xuất cực kì tốt, nếu không muốn nói là tài năng – bởi họ phải lột tả được tâm lý rất phức tạp của nhân vật và câu chuyện thông qua biểu hiện cử chỉ, hành động – đặc biệt là ánh mắt hay nụ cười. Tôi thấy nhiều người đã đề cử cho dạng drama này qua bộ phim Gió mùa đông năm ấy ( That Winter – The Wind Blows do Hàn Quốc sản xuất ) với nhân vật chính là một cô gái bị mù có cuộc sống khá bi thương.
Nhưng tiếc là tôi chưa xem bộ phim, mà tôi lại ấn tượng với bộ phim Black Swan ( Thiên nga đen ) do Natalie Portman thủ vai. Cả bộ phim là sự mâu thuẫn trong tâm lý, sự giằng xé giữa thiện và ác, những hành động biến đổi bản chất theo từng thước phim, ánh mắt từ đơn thuần ngây thơ chuyển sang sắc sảo, có phần dữ tợn của nhân vật Nina rồi lại trở về đúng con người thật của cô ấy ở cuối phim khi đã bị thương nặng – quả thật khiến người xem cứ bị cuốn hút, không thể cưỡng được. Dù rằng chỉ là một phim điện ảnh nhưng đó quả thật là 1 drama xuất sắc – không những có sự góp mặt nội dung vở kịch ba lê “ Hồ thiên nga ” nổi tiếng mà phim còn là một melodrama cực kì ấn tượng với diễn biến trong con người Nina.
“Drama ” thực ra đã được sử dụng từ rất lâu rồi nhưng bạn sẽ phải giật mình vì thời điểm xuất hiện của nó – không phải drama mới chỉ có cách đây vài năm như nhiều người nhầm tưởng. Điểm xuất phát ban đầu drama là tiếng Hy Lạp, được nhà hiền triết Aristole sử dụng trong tác phẩm “ Poetics ” ( Nghệ thuật Thi ca ) từ thế kỉ IV TCN. Ông cho rằng “ drama ” là kịch – một dạng tác phẩm thơ mộng có tính “ hành động ”.
Drama – hiểu theo nghĩa kịch như đúng bản chất của nó thì phải có ba yếu tố sau đây :
- Biên kịch: Tức là tác giả của câu chuyện
- Khán giả: Người xem, theo dõi câu chuyện đó
- Diễn viên: Những người tái hiện toàn bộ nội dung của câu chuyện từ trang giấy
Và để đạt được một drama xuất sắc hì các yếu tố làm nên phải thật sự ấn tượng:
- Câu chuyện – kịch bản hay.
- Diễn viên thể hiện tròn vai, thậm chí là khiến khán giả say mê theo dõi với lối diễn xuất thần sầu.
- Bối cảnh đẹp/ nét vẽ đẹp ( nếu là truyện tranh/ phim hoạt hình ).Nhạc phim/ nhạc kịch hay (cái này tuy chỉ là yếu tố phụ nhưng nếu có thì sẽ khiến người ta càng chú ý tới tác phẩm Drama nhiều hơn).
- Sự hài hước : thường những tác phẩm drama hay khiến khán giả nhớ mãi , ngoài yếu tố cao trào, mâu thuẫn hoặc nội tâm thì còn có cả những phân đoạn hài hước đan xen. Một drama khiến khán giả từ cười chuyển sang xót xa, hết khóc rồi lại cười thì chắc chắn đó là một drama rất tuyệt vời.
Ví dụ cho mục đánh giá drama này tôi có thể giới thiệu bộ phim Love in Paris ( phim Hàn Quốc – sản xuất năm 2003 ), hẳn những ai từng theo dõi phim sẽ không thể kiềm lòng được trước cốt truyện được biến tấu khác lạ từ motip truyền thống chàng nhà giàu yêu nàng nhà nghèo .
Phim rất nhiều sự hài hước khiến khán giả phải cười bò nhưng cũng có những cao trào, mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm làm cho những ai xem không thể không rơi lệ. Cộng với lối diễn xuất rất duyên của các diễn viên và nhạc phim xuất sắc nữa ( đến giờ trong điện thoại tôi vẫn còn lưu giữ bài hát này và thường xuyên nghe đi nghe lại không thấy chán ). Luv.vn
Nếu chấm theo thang điểm 10 ở Việt Nam thì tôi sẽ chấm cho phim này 9,5/10 ( 0,5 còn lại là trừ cho sự thất vọng của tôi vì kết thúc mở nhập nhằng không rõ ràng của phim ấy ). Nhưng nhìn chung, Love in Paris thật sự là một drama quá ư là tuyệt vời.
Các Thể Loại Drama
Drama không chỉ có mỗi kịch, nếu hiểu đúng ý nghĩa là những câu chuyện cao trào thì sẽ có nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa diễn tả drama. Ví dụ như :
Phim truyền hình dài tập : người ta cũng thường lấy drama để làm tên gọi viết tắt cho dạng tác phẩm nghệ thuật này. Chúng ta thường thấy trong mục giới thiệu phim trên các trang web – nhất là phim Hàn Quốc, Trung Quốc : nếu phim nào là phim nhiều tập thì sẽ gắn thẻ là Drama.
Manga/ anime : ai cũng biết quá rõ là manga và anime là truyện tranh và phim hoạt hình của Nhật Bản rồi. Nhưng lí do vì sao mà manga và anime cũng được xếp là một drama là bởi vì trừ những dạng “ one shot ” ( câu chuyện ngắn ) thì đa phần các manga và anime khá là li kì với cốt truyện dài, gay cấn, gần như là thể hiện xuyên suốt cuộc đời của các tuyến nhân vật cả chính và phụ.
Những câu chuyện lịch sử : cũng được xem là một drama nếu nó thể hiện được yếu tố cao trào, các nhân vật lịch sử có nhiều hành động, suy nghĩ dẫn đến kết quả được đẩy cao lên đỉnh điểm.
Tôi có thể lấy ví dụ về vụ án oan Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, với cái chết thảm khốc của gia tộc ba đời nhà Nguyễn Trãi. Để mà dẫn đến kết cục như vậy thì bắt nguồn từ sự tranh giành quyền lực trong triều đình nhà Hậu Lê – và xin mời các bạn đọc những tài liệu lịch sử về vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi hoặc nhân vật chủ chốt tạo nên drama đó là Thái hậu Nguyễn Thị Anh.
Tôi chắc chắn rằng lịch sử Việt Nam có rất nhiều câu chuyện vô cùng hay, không kém gì lịch sử của Trung Quốc đã dựng thành phim mà đã quá quen thuộc với mọi người.
Opera : một loại hình nghệ thuật biểu diễn khác của kịch, nội dung câu chuyện được truyền tải qua giọng hát của người thể hiện và âm nhạc của vở kịch.– Tuồng/ chèo : là những loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền ở Việt Nam, tái hiện lại những câu chuyện, nhân vật trong văn học hay lịch sử, thông qua cả lời thoại và câu hát, âm thanh phụ họa đặc trưng theo từng thể loại. Tuồng và chèo theo tôi cũng được xem là một dạng drama – kịch bởi có cốt truyện, có diễn biến tâm lý nhân vật, có cao trào được đẩy lên đỉnh điểm…
Drama Trong Định Nghĩa Của Giới Trẻ Hiện Nay
Ngày nay, khi mà Facebook đều được sử dụng tràn lan, “ drama ” được hiểu đơn giản là một sự việc gây sốc, bất ngờ có tính chất tranh cãi nhằm gây sự chú ý hoặc phanh phui sự thật. Đó là một “ phốt ” ( bêu xấu ) có tác động đến cộng đồng, xã hội, khiến người ta phải chú ý theo dõi, hưởng ứng liên tục.
Một Số Danh Từ Có Drama
- Drama còn xuất hiện trong SBS Drama Awards – là một buổi lễ trao giải nhằm tôn vinh các tác phẩm, diễn viên thuộc thể loại phim truyền hình xuất sắc ở Hàn Quốc.
- Webdrama : là những trang web xem phim truyền hình, hoặc các phim điện ảnh có tính drama gay cấn, thường gắn nhãn từ 13 – 16+ ( từ 13 tuổi trở lên )
- Drama Club : là những câu lạc bộ – nơi tụ tập của những bạn trẻ đam mê diễn xuất. Ở Việt Nam đã có nhiều drama club, trong đó có vài nhóm khởi nguồn từ các trường THPT.
- Drama cẩu huyết : là những bộ phim/ truyện có nội dung dài, có bi thương nhưng tình tiết quá thảm khốc, hoặc quá vô lí khiến người xem không muốn tiếp tục theo dõi . Nếu có cố gắng xem hết thì khi kết thúc xong liền lập tức đập bàn chửi … tác giả/ biên kịch đã làm ra tác phẩm .
- Drama Game : cũng tương tự như Drama trên Facebook, thường là những vụ tranh cãi gây hứng thú cho cộng đồng game thủ quan tâm.
Trong các giải thưởng dành cho các phim Drama, chắc chắn sẽ có giải dành cho nữ diễn viên và nam diễn viên xuất sắc nhất – mà người ta gọi là Drama Queen, Drama King ( Nữ hoàng Drama, Ông hoàng Drama ). Thế nhưng Drama Queen/King bây giờ lại được giới trẻ ám chỉ hài hước, mỉa mai về những người cứ thích gây sự chú ý bằng những câu chuyện của bản thân, những phát ngôn gây sốc…
Hít Drama là gì?
Nếu đã biết được từ Drama trên Facebook nghĩa là gì, thì hẳn ai cũng thấy có sự xuất hiện từ “ hít ” ( hay có khi là “ hít hà ” ) kèm theo trong các bình luận về Drama đó . “ Hít Drama ” là từ lóng chỉ việc hưởng ứng, tham gia hoặc theo dõi các thông tin gây sốc, các câu chuyện bêu xấu, bóc phốt nhau trên mạng xã hội. Những người “ hít drama ” – cư dân mạng thường mang tâm lý rất phấn khích khi thấy các nhân vật trong drama trình bày, kêu oan cho bản thân… Những người làm khán giả thì liên tục bình luận, cùng hóng diễn biến tiếp theo xem kết quả cuối cùng sự thật là gì, ai thắng ai thua ?…
Tâm lý nhiều chuyện, tò mò ở rất nhiều người Việt Nam đã có từ lâu nên giờ đâm ra hễ một ai bị tố cáo trên mạng xã hội là sẽ có rất nhiều người cùng “ hít hà ” cái “ drama ” ấy. Thực tế cho thấy là có những người không thần tượng, yêu thích hay ghét kẻ bị đem ra phốt hoặc kẻ đi phốt nhưng cũng tham gia theo dõi, bàn luận. Thậm chí là hùa theo mắng chửi dù chưa biết rõ đúng sai.
Quyền tự do ngôn luận thì ai cũng có. Nhưng cần phải phân biệt được đâu là người đáng để lên án. Với những người ưa thích gây sự chú ý bằng cách đối nhân xử thế không đàng hoàng, sống vô đạo đức và nhẫn tâm thì cần phải phê phán – đó là điều đương nhiên. Với những sự việc tố giác lẫn nhau nếu chưa nắm rõ được kẻ trong cuộc tốt hay xấu, ai đúng ai sai thì khoan vội.
Tôi cho rằng, tốt nhất là chỉ nên theo dõi drama là những bộ phim, truyện tranh, những vở kịch… sẽ có nhiều ý nghĩa hơn là theo dõi những drama đời thực, trên mạng xã hội. Bởi vì những câu chuyện nóng hổi nó cũng chỉ nóng một thời gian rồi lắng xuống. Ai tốt ai xấu tất cả rồi sẽ rõ. Chẳng có thứ gì che lấp được thời gian. Luvn.vn: nguồn – Nhưng giá trị thật sự mà một drama đem lại theo đúng định nghĩa ban đầu thì nên được tiếp thu thêm. Một câu chuyện lịch sử, một bộ phim tâm lý, có tính nhân văn sẽ làm tăng sự hiểu biết, trí tuệ của cá nhân và bồi đắp cảm xúc cho bản thân hơn là hóng hớt những điều tầm thường.