Tiếng Việt muôn màu muôn vẻ bởi vậy mới có câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Sử dụng tiếng Việt nhưng không tránh được các lỗi chính tả đó là điều mà ngay cả người Việt cũng mắc phải. Vậy bạn đã nắm qua các lỗi chính tả thường gặp chưa? Nếu chưa thì đừng bỏ qua bài viết tổng hợp các lỗi chính tả thường trong tiếng Việt và cách khắc phục ngay sau đây.
Các lỗi chính tả về dấu câu và cách trình bày đúng
Các dấu dùng để kết thúc câu bao gồm dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu ba chấm có một quy tắc mà chúng ta cần nhớ là phải viết dính liền với chữ cuối cùng của câu.
Ví dụ:
- Hôm nay là thứ mấy ? (Dấu chấm hỏi trong trường hợp là viết sai, viết đúng là dấu chấm cần viết sát chữ y – Hôm nay là thứ mấy?).
Các dấu dùng để ngăn cách giữ câu như dấu phẩy, dấu chấm phẩy và dấu hai chấm phải viết dính liền với vế trước của câu và cách vế sau của câu một khoảng trắng.
Ví dụ:
- Đây là vế trước , còn đây là vế sau (Đây là lỗi viết dấu câu sai, viết đúng phải là “Đây là vế trước, còn đây là vế sau”).
Đối với dấu ngoặc đơn và dấu ngoặc kép thì phải nhớ viết dính liền với phần văn bản mà nó bao bọc.
Ví dụ: Hắn nhìn tôi và nói “ Chuyện này chẳng liên quan gì đến anh! “ (Câu đang sai khi dấu ngoặc kép cách xa, viết lại đúng phải là “Chuyện này không liên quan đến anh!”).
Những từ tiếng Việt thường hay viết sai nhất
Người Việt do lỗi phát âm vùng miền dẫn đến cách nói và viết rất dễ sai chính tả cũng như khó phân biệt đâu là từ viết đúng trong một số trường hợp như sau.
- “Dành” và “Giành”: Đối với động từ “dành” thì mang nghĩa tiết kiệm cất giữ hoặc xác định quyền sở hữu, chia phần cho một ai đó. Ví dụ ta có từ: để dành, dành cho em,…Còn động từ “giành” là động từ chỉ sự tranh đoạt một điều gì, một cái gì đó như giành giật, giành chính quyền.
- “Dữ” và “giữ”: Đối với từ “dữ” là một tính từ chỉ tính cách ví dụ như các từ: dữ dằn, giận dữ, dữ tợn, hung dữ, dữ dội,…Còn với từ “giữ” thì lại là một động từ để chỉ sự sở hữu, bảo vệ như giữ gìn, giữ xe, giữ của,…
- “Khoảng” và “khoản”: Từ “khoảng” để chỉ đến một vùng không gian, thời gian hay độ dài nào đó bị giới hạn như khoảng cách, khoảng không hay khoảng thời gian. Đôi khi “khoảng” dùng để chỉ ước lượng chẳng hạn như “Nhóm người đó có tầm khoảng chục người đến từ Mỹ”. Còn đối với từ “khoản” là một mục hay một bộ phận, ví dụ như: tài khoản, điều khoản hay khoản tiền.
- “Chuyện” và “truyện”: Với từ “chuyện” là từ dùng để chỉ những thứ được kể bằng miệng còn “truyện” là từ dùng để những câu chuyện được viết ra thành văn bản và được đọc. Chúng ta thường có cụm từ “chuyện cổ tích” ý chỉ được kể miệng dựa theo trí nhớ nhưng khi nó được in trong sách thì những nội dung đó được gọi là “truyện cổ tích”.
- “Chửa” và “chữa”: T ừ “chửa” mang nghĩa là mang thai, còn từ “chữa” có nghĩa khắc phục, tu sửa; nó thường đi với từ “sửa” để ghép thành “sửa chữa”.
- “Xán lạn” hay “Xáng lạng”: Từ viết đúng là “xán lạn”, trong đó “xán” là rực rỡ, “lạn” là sáng sủa.
- “Rốt cuộc” hay “rốt cục”: Từ đúng là rốt cuộc.
- “Xuất” hay “suất”: Từ “xuất” là động từ có nghĩa là ra, ví dụ như sản xuất, xuất khẩu, xuất xứ, xuất nhập khẩu,…Còn “suất” là danh từ có nghĩa là phần được chia như suất ăn, tỉ suất, hiệu suất…
- “Yếu điểm” và “điểm yếu”: Hay từ này mang nghĩa khác nhau, “yếu điểm” có nghĩa là điểm quan trọng, đồng nghĩa với “trọng điểm”; còn “điểm yếu” đồng nghĩa với “nhược điểm”.
Xem thêm: Sẽ gầy là gì? Giải thích nghĩa đen & nghĩa bóng chuẩn nhất
Một số quy tắc chính tả cần nắm vững
- Phân biệt giữa “ch/tr”: Chữ “tr” không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm như “oa, oă, oe, uê”. Vậy nên nếu gặp các vần nay, bạn nhớ dùng “ch”. Ví dụ như áo choàng, chích chòe, loắt choắt, chuếnh choáng,…Những từ Hán Việt với dấu nặng hoặc dấu huyền thường có âm đầu “tr”, ví dụ như trịnh trọng, trình tự, trừ phi, giao lưu,…
- Phân biệt giữa “r/d/gi”: Chữ “r” và “gi” không đứng đầu các tiếng có các vần có âm đệm (oa, oe, uê, uy), vậy nên các tiếng dạng này bạn chọn “d” để viết, không chọn “r” hoặc “gi”. Ví dụ như dọa nạt, kinh doanh, duy trì,…Các tiếng có thanh ngã hoặc thanh nặng thường viết với âm đầu “d”, các tiếng có thanh sắc hoặc thanh hỏi thường viết “gi”.
Làm sao để hình thành thói quen viết đúng chính tả
Có những lỗi chính tả bạn viết sai nhưng tạo thành thói quen mà chúng ta không biết mình sai. Cách tốt nhất khi viết xong hãy để người khác đọc bài viết của bạn và để họ góp ý những lỗi sai nếu có, từ đó giúp bạn nhớ lâu và không vi phạm lần sau. Nếu không chắc chắn khi viết từ nào đó thì bạn nên tra từ điển tiếng Việt để chắc chắn và ghi nhớ cho lần viết sau.
KẾT LUẬN
Viết sai chính tả nếu không kịp thời sửa chữa sẽ rất dễ tạo thành thói quen khó bỏ, điều này gây mất điểm hoặc thậm chí là bị trừ điểm khi thực hành viết văn bản. Viết sai sẽ dẫn đến nói sai lâu dần làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Hy vọng với bài viết Bigone.vn tổng hợp các lỗi chính tả thường gặp trong tiếng Việt và cách khắc phục bên trên đã giúp bạn bỏ thêm nhiều mẹo hay trong quá trình viết tiếng Việt. Nhớ thực hành mỗi ngày để không mắc phải lỗi sai chính tả nữa bạn nhé!