Xin chào !
Hello ! Hi !
你好 !
こんにちは !
Bonjour !
Ciao !
Hola !
Aloha !
Hallo !
…….
Bạn thấy gì không ? Chỉ đơn giản là một tiếng “ Xin chào ” thân thiện, nhưng đã có rất nhiều ngôn ngữ thể hiện cách chào đó. Nhưng đó chỉ mới là một vài thứ tiếng trong những ngôn ngữ được sử dụng nhiều trên thế giới mà tôi vẫn còn chưa liệt kê hết được. Bởi đơn giản là có đến hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau mà chúng ta không thể khám phá hết, thậm chí còn rất nhiều ngôn ngữ chưa – từng – được biết đến.
Câu hỏi của bài viết hôm nay là : Có bao nhiêu ngôn ngữ trên thế giới ? Nhưng để trả lời câu hỏi đó, chúng ta vẫn nên tìm hiểu lại một chút khái niệm về ngôn ngữ
1. Ngôn Ngữ Là Gì?
Tôi đang viết những gì mà bạn, mọi người, chúng ta vẫn có thể hiểu được. Tôi hát, tôi nói, tôi đọc và ngược lại, tôi cũng có thể hiểu được bạn và bất cứ ai muốn thể hiện cho tôi biết. Chúng ta đang sử dụng tất cả các phương thức truyền đạt để diễn tả ý muốn của mình bằng một tập hợp các biểu tượng, ký hiệu gọi là ngôn ngữ.
Đơn giản, ngôn ngữ chính là tập hợp các ký hiệu, biểu tượng để truyền đạt, giao tiếp.
Ngôn ngữ được phát minh trong quá trình sinh sống và phát triển của loài người. Mà con người trên thế giới này vốn dĩ đã không đồng nhất với nhau về chủng tộc, ngoại hình, nơi sống, lịch sử, văn hóa… cho nên ngôn ngữ cũng có xuất phát điểm khác nhau, và quá trình phát triển – sự biến đổi của ngôn ngữ cũng rất khác nhau.
2. Vậy Có Bao Nhiêu Ngôn Ngữ Trên Thế Giới?
Các công trình nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ vẫn có thể ước chừng được số lượng ngôn ngữ trên thế giới. Theo một tài liệu được công bố của Ethnologue, tính đến tháng 09 năm 2019 có khoảng hơn 7111 ngôn ngữ được biết đến trên thế giới. Nhưng con số này vẫn chưa chính xác bởi người ta vẫn chưa thể xác định được hết cư dân ở một số vùng đất đặc biệt trên thế giới họ đang dùng ngôn ngữ gì.
Trong khoảng 7111 ngôn ngữ được phát hiện trên thế giới, chỉ có 500 ngôn ngữ được nghiên cứu tương đối đầy đủ. Báo cáo điều tra của UNESCO, trên thế giới có 2750 thứ tiếng.
Cho nên khi có người nói rằng : “ Tôi có thể sử dụng thông thạo được 7 thứ tiếng ”, điều đó quả thật rất đáng tự hào. Nhưng sự thật là, 7 thứ tiếng đó chỉ chiếm khoảng 0,1% số lượng ngôn ngữ trên thế giới. Cho nên nếu chỉnh sửa lại câu nói của người đó một chút : “ Tôi có thể sử dụng thông thạo được 0,1% thứ tiếng trên thế giới ” thì có lẽ sự tự hào đã giảm đi rất đáng kể đấy.
Sự phân bố ngôn ngữ trên thế giới cũng không đồng đều. Có những quốc gia có đến hàng trăm ngôn ngữ. Theo nghiên cứu của Ethnologue thì tại Papua New Guinea có tới 841 loại ngôn ngữ khác nhau, Indonesia có 710 ngôn ngữ, Nigeria có 526 ngôn ngữ, Ấn Độ với 455 ngôn ngữ , …v..v… Việt Nam cũng là một quốc gia đa ngôn ngữ, ngoài tiếng Việt được sử dụng chính thức ra thì đã có đến vài chục ngôn ngữ khác nhau rồi.
3. Tình Trạng Tiêu Vong Ngôn Ngữ Thiểu Số, Bản Địa
Điều đáng nói là : trong con số 7111 ngôn ngữ đã được nêu trên, thì có đến 2/3 thứ tiếng không được công nhận là ngôn ngữ độc lập, trong đó có nhiều ngôn ngữ sắp bị tiêu vong. Có khoảng trên dưới hai mươi thứ tiếng hầu như ngày nay không còn ai biết nói nữa. Hơn 1 nửa các loại ngôn ngữ trên thế giới không có chữ viết. Chỉ có khoảng 500 thứ tiếng đã được nghiên cứu kĩ.
Lấy một ví dụ , nhóm ngôn ngữ Thái Bình Dương ( là những ngôn ngữ bản địa ở các quốc gia, đảo và quần đảo nằm trong Thái Bình Dương ) chiếm đến 18,5% số lượng ngôn ngữ trên thế giới nhưng lại được sử dụng rất ít.
Đó là tình trạng những quốc gia có tiếng mẹ đẻ riêng, có ngôn ngữ bản địa riêng nhưng lại sử dụng những ngôn ngữ phổ biến nhất như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… làm ngôn ngữ chính thức. Bởi trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu, sự di dân đến nhiều khu vực trên thế giới hay là trong lịch sử, bằng các quá trình mở mang bờ cõi, xâm lấn thuộc địa, những nước lớn hùng mạnh đã đem ngôn ngữ của họ truyền bá khắp nơi. Từ đó một số loại ngôn ngữ vốn chỉ là ngôn ngữ của một quốc gia lại trở thành những thứ tiếng được sử dụng phổ biến trên toàn cầu.
Theo một nghiên cứu cụ thể, ước tính trên thế giới hiện nay có khoảng 20 “ điểm nóng ngôn ngữ ” – tức là những khu vực có ngôn ngữ đang dần bị biến mất. Khu vực Trung Nam Mỹ – cụ thể gần Peru và Bolivia, rìa Tây Canada, bắc Australia và Siberia là những khu vực có các ngôn ngữ nằm trong nhóm bị đe dọa nghiêm trọng. Những cộng đồng nhỏ bé này có thể không có tiếng nói lớn đối với toàn cầu, nhưng họ lại nắm giữ nhiều di sản ngôn ngữ – văn hóa quý giá của nhân loại.
Tổ chức Dự án Các ngôn ngữ bị đe dọa tuyên bố : “Với mỗi ngôn ngữ chết đi, chúng ta đánh mất một di sản văn hóa khổng lồ, cách con người liên hệ với thế giới, kiến thức khoa học, y học, thực vật học, quan trọng nhất là cách các cộng đồng biểu đạt sự hài hước, tình yêu và cuộc sống. Nói ngắn gọn, chúng ta mất đi chứng tích của hàng thế kỷ cuộc sống ”. Tại viện nghiên cứu Smithsonian – đồng thời là viện bảo tàng Quốc gia của chính phủ Hoa Kỳ đang nỗ lực giữ lấy một số ngôn ngữ có nguy cơ bị biến mất bằng cách lưu trữ âm thanh và bài hát của các ngôn ngữ đó. Mỗi bản ghi âm được lưu giữ này thể hiện cách con người mô tả sự vật và giao tiếp với môi trường xung quanh.
4. Top 5 Ngôn Ngữ Phổ Biến Nhất Trên Thế Giới
Chúng ta đều biết Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, được coi là ngôn ngữ chính thức trên 53 quốc gia. Nhưng điều bất ngờ là tiếng Anh không phải là ngôn ngữ được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới. Sau đây là bảng xếp hạng 5 ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới:
1, Tiếng Trung Quốc (còn gọi là tiếng Hoa) – Có hơn 1,2 tỷ người sử dụng.
2, Tiếng Anh – Nếu không xét trên phương diện người bản địa, tiếng Anh có khoảng 983 triệu người sử dụng như là ngôn ngữ thứ hai.
3, Tiếng Hindi – Hiện nay có khoảng gần 497 triệu người sử dụng. Đây là ngôn ngữ chính của người Ấn Độ.
4, Tiếng Tây Ban Nha – 392 triệu người sử dụng. Tiếng Tây Ban Nha phổ biến tại các quốc gia ở Châu Mỹ.
5, Tiếng Nga – Liên bang Nga là vùng lãnh thổ rộng lớn, vì vậy không khó hiểu khi tiếng Nga xếp thứ 5 về độ phổ biến với khoảng 277 triệu người sử dụng.
Một điều bạn đọc Việt Nam nên biết: Tiếng Nga từng được giảng dạy hầu hết tại các trường phổ thông vào thập niên 80, 90 của thế kỷ 20 tại Việt Nam. Hiện nay ngôn ngữ được giảng dạy phổ biến ngoài tiếng mẹ đẻ là Tiếng Anh. Tiếng Nga hiện nay chỉ được dạy trong các trường và khoa ngôn ngữ chuyên ngành.
Tổng Kết
Sự đa dạng về ngôn ngữ thông qua bài viết trên đây đã khiến tôi hiểu một điều rằng : thế giới thật sự rất bao la rộng lớn – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có rất nhiều điều chúng ta còn chưa kịp biết đến lại đang dần biến mất đi. Gìn giữ những giá trị cổ xưa – trong đó ngôn ngữ là thứ quan trọng nhất sẽ quyết định sự tồn tại của cả một nền văn minh nhân loại mà đó là khởi nguồn cho sự phát triển của con người đến tận ngày nay.