Truyền thống tôn sư trọng đạo đã có từ bao đời nay. Từ bé chúng ta đã được dạy rằng: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Công ơn của thầy cô đã dạy dỗ chúng ta thành người cần phải ghi lòng tạc dạ. Công ơn ấy và công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ với tôi là những điều trân quý nhất trong cuộc đời của mỗi người.
Năm lớp 3, mẹ dẫn tôi đến chúc mừng cô giáo chủ nhiệm nhân ngày 20/11. Cuối buổi trò chuyện, cô hỏi tôi muốn chúc gì cô không ?. Khi đó tôi ngượng nghịu chẳng nói được câu gì, mẹ đành phải chúc thay.
Nếu các bạn muốn tìm một vài lời chúc hay và ý nghĩa để thể hiện lòng thành tâm, kính trọng đối với thầy cô thì các bạn có thể tham khảo một vài câu ca dao tục ngữ. Thực tế là có cả bồ các câu ca dao tục ngữ về công ơn thầy cô. Đây sẽ là chủ đề chính trong bài viết của Góc Tò Mò ngày hôm nay.
Ca dao tục ngữ về truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam
“Gõ đầu trẻ” là tên gọi khác khá thú vị về nghề dạy học. Nguồn gốc của từ “gõ đầu trẻ” là từ phương pháp dạy học từ xa xưa. Khi học trò không chăm chỉ học, hoặc tiếp thu kiến thức kém đôi khi cũng bị các thầy cốc đầu, lấy thước đánh vào tay. Đây là phương pháp dạy trẻ từ xa xưa, tôi không phản đối nhưng cũng không khuyến khích. Lý do là ở mỗi độ tuổi cần có một phương pháp giáo dục khác nhau.
Hiện nay, việc dùng các hình phạt như vậy có thể khiến các thầy cô bị phụ huynh kiện cáo là bạo lực. Tuy nhiên, tầm quan trọng của những người mang chữ, mang kiến thức giúp ích cho các em sau này là không thể phủ nhận. Văn học dân gian Việt Nam đã có những câu ca dao, tục ngữ ghi nhận vai trò quan trọng của người thầy từ xa xưa.
“ Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong”
Người cha lo kinh tế nuôi sống gia đình – “ cơm ”. Người mẹ tề gia nội trợ – “ áo ”. Và học “ chữ ” được giao trọng trách cho thầy. Hầu hết ai cũng có những người quan trọng làm nên cuộc đời của mỗi chúng ta.
“ Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây
Công cha cũng nặng, nghĩa thầy cũng sâu ”
Sự vất vả của người cha không thể xem thường, nhưng công dạy của thầy cũng không thể nhẹ hơn cha.
“ Mẹ cha công đức sinh thành
Ra đường thầy dạy học hành cho hay ”
“ Dốt kia thì phải cậy thầy
Vụng kia cậy thợ thì mày làm nên ”
“ Một kho vàng không bằng một nang chữ ”
“ Muốn biết phải hỏi. Muốn giỏi phải học ”
“ Ông bảy mươi học ông bảy mốt ” – người giỏi hơn ta chính là thầy của ta. Lúc nào cũng phải học hỏi ở người giỏi hơn mình.
“ Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy ” – người thầy không sinh ra ta nhưng cũng có công to lớn như đấng sinh thành. Tết Nguyên Đán có hẳn một ngày thể hiện tấm lòng với thầy cũng là điều xứng đáng .
Còn câu này thì ai cũng biết cả
“ Không thầy đố mày làm nên ” : Những người dù tài giỏi đến mấy cũng đều có một người thầy. Chẳng ai sinh ra đã là thiên tài nếu không có một người chỉ dạy.
“ Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy ” : Chỉ cần là người dạy ta một điều vô cùng nhỏ nhoi, chúng ta cũng phải tôn trọng và nhớ đến công ơn của người đó
“ Chữ thầy trong cõi người ta
Dặm dài hoa nắng, trời xa biển đầy ”
“ Mấy ai là kẻ không thầy
Thế gian thường nói đố mày làm nên ”
“ Công cha, áo mẹ, chữ thầy
Gắng công mà học, có ngày thành danh ”
Những câu ca dao tục ngữ nhắc nhở đạo kính thầy, trọng cô
“ Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy ”
“ Mười năm rèn luyện sách đèn
Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy ”
“ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh, có vọng nhớ thầy khi xưa ”
“ Vua, thầy, cha ấy ba ngôi
Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng ”
Một câu này không chỉ kính trọng người dạy chữ, đấng sinh thành mà có cả bậc chí tôn của đất nước. Ấy là khuôn khổ, chuẩn mực của đạo làm người theo tiêu chuẩn phong kiến thời xưa. Nhưng chắc không ai dám nhắc nhở Vua phải kính trọng thầy. Vì vua là người tối cao, chả ai dám nói. Nhưng suy cho cùng Vua cũng cần phải được dạy thì mới biết thế nào là làm vua, thế nào là trị nước cơ mà.
“ Con ơi ham học chớ đùa
Bữa mô ngày Tết thỉnh bùa thầy đeo ”
( Bùa là vật tín ngưỡng linh thiêng mà ai cũng cho rằng sẽ đem lại bình an, may mắn. “ Thỉnh bùa thầy đeo ” là một hành động thể hiện yêu quý, vô cùng kính trọng thầy không cần phải quà cáp xa xôi )
“ Con ơi nhớ lấy câu này
Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên ”
“ Thời gian dẫu bạc mái đầu
Tim trò vẫn tạc đậm câu ơn thầy ”
“ Dạy con từ thuở tiểu sinh
Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi
Học cho cách vật trí tri
Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông ”
“ Ơn thầy soi lối mở đường
Cho con vững bước dặm trường tương lai
Tháng năm dầu dãi nắng mưa
Con đò trí thức thầy đưa bao người
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương
Con đò mộc , mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày ”
Bây giờ mới có một câu nhắc đến người phụ nữ làm thầy. Thời xưa chỉ có đàn ông mới dạy người. Đàn bà có giỏi cũng không được gì.
“ Tạ ơn thầy đã dẫn con vào rừng trí thức
Cảm nghĩa cô đã dắt trò đến biển yêu thương ”
Một số danh ngôn, ngạn ngữ nước ngoài mà tôi tâm đắc về nghề giáo
Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học ( Comenxki )
Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi ( Ngạn ngữ Trung Quốc )
Trọng thầy mới được làm thầy ( Ngạn ngữ Trung Quốc )
Thầy giáo là đường tinh. Học sinh là đường đã lọc ( Ngạn ngữ Ba Tư )
Tôi thích người thầy, bên cạnh bài tập về nhà, còn cho bạn đem một điều gì đó về suy nghĩ ( Lily Tomlin )
Một người thầy thực sự đặc biệt thì rất hiểu biết và nhìn thấy tương lai trong đôi mắt của mọi học trò ( Khuyết danh )
Một thầy giáo tốt như một ngọn nến – ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác ( Mustafa Kernal Ataturk )
Người thầy thực sự hiểu biết không bắt bạn bước vào ngôi nhà tri thức của thầy, mà hướng dẫn bạn đến ngưỡng của tư duy và tri thức của bạn ( Khalil Gibran )
Những thầy cô giỏi nhất dạy bằng trái tim, chứ không từ sách vở ( Khuyết danh )
Kết Luận
Không chỉ riêng ngày 20/11, mà tôi nghĩ là lúc nào chúng ta cũng nên ghi nhớ và trân trọng những điều vô giá mà thầy cô đã cố gắng đem tới cho mình – đó là tri thức, là rèn luyện phẩm chất, đạo đức của con người. Chúc cho những người đang làm nghề “ cao quý nhất trong những nghề cao quý ” sẽ luôn là một người thầy chuẩn mực, xuất sắc để đào tạo những nhân tài cho Tổ quốc.